“Shark” Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – đã có nhiều thương vụ đầu tư vào các startup bán lẻ như Hellomam và Con Cưng (thông qua các công ty quản lý quỹ trực thuộc SSI). Mới đây, ông Hưng đã chia sẻ về 4 giai đoạn phát triển của một startup gắn với 4 lần tìm kiếm nhà đầu tư, cũng như tỷ lệ cổ phần hoán đổi phù hợp…
“Muốn hỗ trợ cho phong trào Startup thì việc đầu tiên cần hiểu đường đi của một Startup như thế nào“, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhìn nhận.
Là một nhà đầu tư đã giải ngân cho nhiều Startup và bản thân cũng đã trải qua Startup, ông Hưng đã chia sẻ trên trang cá nhân những kinh nghiệm của bản thân về 4 giai đoạn hình thành và phát triển của Startup.
Cụ thể:
Giai đoạn 1: Ý tưởng
Nhà đầu tư: Angel Investors (nhà đầu tư thiên thần), Quỹ của Quốc gia hoặc của các tập đoàn kinh tế
Số tiền đầu tư: 120.000 USD ở Mỹ và thường là 1 tỷ đồng ở Việt Nam
Tỷ lệ cổ phần hoán đổi: 10 – 25%
Xác suất thành công: <5%
Đây là giai đoạn mà các nhà sáng lập mới có ý tưởng kinh doanh và đi tìm các nhà tài trợ để có nguồn ngân sách xây dựng các ý tưởng này thành mô hình kinh doanh. Các nhà đầu tư trong giai đoạn này, ngoài người thân trong gia đình hoặc quen biết, sẽ là những nhà đầu tư thiên thần đã có kinh nghiệm sẵn sàng bỏ tiền và thời gian, hoặc các quỹ của Quốc gia hoặc của các tập đoàn kinh tế thành lập để hồ trợ dự án khởi nghiệp.
Khoảng 2% số người có ý tưởng sẽ nhận được đầu tư trong giai đoạn này. Mỗi ý tưởng sẽ nhận được khoản đầu tư đủ chi phí cho 2 người làm việc trong 1 năm, thường ở Mỹ là 120.000 USD và ở Việt Nam là 1 tỷ đồng, tiền được giải ngân 1 lần/quý kèm theo kết quả hoàn thành mỗi quý, nhà đầu tư sẽ dừng tài trợ nếu sau mỗi quý ngồi xét lại và thấy ý tưởng không khả thi.
Giai đoạn 2: Đầu tư rủi ro
Nhà đầu tư: VC (Venture Capital – Quỹ đầu tư mạo hiểm)
Số tiền đầu tư: 500.000 – 5.000.000 USD
Tỷ lệ cổ phần hoán đổi: 15 – 35%
Xác suất thành công: 5%
Đây là giai đoạn khi ý tưởng đã được xây dựng thành mô hình kinh doanh, các Startup thành lập công ty để hoạt động. Các nhà đầu tư lúc này sẽ là các quỹ đầu tư Startup hay các Quỹ đầu tư rủi ro, thường đầu tư 500.000 đến 5 triệu USD để nhận lại 15 – 35% công ty. Ở giai đọan này vốn của công ty sẽ dùng vào mua tài sản cũng như xây dựng đội ngũ, ngoài nhân sự tiếp tục phát triển ý tưởng công ty cần cả đội ngũ vận hành, đội ngũ bán hàng, đội ngũ kế toán tài chính… không phải là sở trường của các nhà sáng lập.
Các quỹ đầu tư ngoài việc đầu tư tiền họ sẽ trợ giúp công ty những phần việc thuộc sở đoản cùa các nhà sáng lập. Xác xuất thành công của giai đoạn này 5%.
Giai đoạn 3: Tăng trưởng
Nhà đầu tư: PE (Private Equity – Quỹ đầu tư tư nhân)
Số tiền đầu tư: 5 – 100 triệu USD
Tỷ lệ cổ phần hoán đổi: 10 – 25%
Xác suất thành công: 20%
Đây là giai đoạn mà các quỹ đầu tư PE nhắm tới, vốn huy động trong giai đoạn này nhằm mở rộng kinh doanh theo mô hình hiện tại. Các quỹ đầu tư trong giai đoạn này thường có những thoả thuận cam kết riêng với công ty phát hành gọi vốn. Mức đầu tư của mỗi quỹ thường từ 5 đến 100 triệu đô la và thường chiếm từ 10 đến 25% công ty. Thành công của giai đoạn này 20%.
Giai đoạn 4: IPO
Nhà đầu tư: Đại chúng (tất cả những cá nhân và tổ chức sở hữu cổ phiếu DN niêm yết)
Xác suất thành công: <5%
Đây là giai đoạn phát hành cho các tổ chức các nhân thông qua đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán, sau giai đoạn này công ty hoạt động theo các quy định của thị trường chứng khoán. Thực chất thành công giai đoạn này không quá 5%. Nhưng 5% này đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
“Để có nhiều công ty đại chúng tốt cần có nhiều ý tưởng tốt và phải có hệ sinh thái tốt để các ý tưởng phát triển được thành các công ty hiệu quả và một số trong số đó có thể trở thành công ty đại chúng. Các chính sách hay hỗ trợ chỉ phát huy tác dụng khi hiểu rõ các giai đoạn của các công ty. Những ý tưởng hỗ trợ nuông chiều quá không đúng chỗ sẽ có tác dụng ngược, thậm chí còn có hại cho nền kinh tế”, “ông trùm chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng nhận định.
Như Quỳnh ATP SOFTWARE- Nguồn coppy