“Sự lựa chọn là ở chính mình nhưng cần cái đầu lạnh để đối đầu với sự cạnh tranh của thị trường và con tim nóng để có định hướng tốt”, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), cựu CEO PepsiCo chia sẻ tại talk show “Ý nghĩa doanh nhân xã hội” do Hultprize tổ chức tại Tp.HCM mới đây.
Doanh nghiệp bước ra thị trường và khởi nghiệp phải gắn liền với trách nhiệm
Chia sẻ về ý nghĩa của doanh nghiệp xã hội, ông Ngọc Trai cho rằng, trong môi trường kinh doanh, doanh nghiệp phải tạo ra sự tác động có trách nhiệm (CSR).
“Thế hệ trẻ thấu hiểu ý nghĩa nhân văn của trách nhiệm xã hội sẽ nắm bắt được bàn đạp vàng trong sự nghiệp của bản thân”, ông Trai nhấn mạnh.
Theo cựu CEO PepsiCo, hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp, trong đó có trên dưới 200 doanh nghiệp xã hội đã hoạt động và phát triển tốt.
“Vấn đề là khi thành lập doanh nghiệp, hay khởi nghiệp, bằng cách nào đó chúng ta phải mang đến giá trị tốt nhất cho xã hội”, ông Trai nhấn mạnh. Chẳng hạn, làm sao để làm ra hàng hóa phục vụ đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Trên tổng dân số Việt Nam, theo ông Trai hiện có 28 triệu người nghèo hoặc cận nghèo… đó là những đối tượng xã hội mà doanh nghiệp cần hướng tới.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai tại talk show “ý nghĩa doanh nhân xã hội” do Hultprize tổ chức tại Tp.HCM mới đây
Muốn làm doanh nghiệp xã hội thì theo ông Phạm Phú Ngọc Trai phải bắt đầu bằng giá trị chung mà chúng ta chọn. Trong đó, phải có tầm nhìn, kiến thức, và mục tiêu chung. Mục tiêu chung này bao gồm lợi nhuận kinh tế và lợi ích xã hội.
“Tuyệt đối đừng bao giờ chọn lợi ích kinh tế đi ngược lại với lợi ích xã hội, chẳng hạn một số doanh nghiệp sản xuất chất liệu nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống là đáng báo động về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Trai nhấn mạnh.
Trách nhiệm xã hội không phải vui là làm mà phải tạo được sự tăng trưởng bền vững
Nói về tầm quan trọng của doanh nghiệp xã hội, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, những doanh nghiệp đi lên từ khởi nghiệp có phát triển bền vững được hay không là câu hỏi không dễ trả lời. Nếu những tác động đến môi trường không tốt thì có phát triển đến đâu cũng không phải là doanh nghiệp tốt.
Trách nhiệm xã hội không phải là doanh nghiệp đi làm từ thiện mà là sự tác động đến từ giá trị với xã hội. “Không ai cấm các bạn đi làm một sản phẩm có lợi nhuận nhưng sản phẩm đó phải đóng góp vào xã hội, chẳng hạn các bạn đi dạy tiếng Anh hay dạy cho người ta chiến lược để người ta thành công ở sản phẩm họ làm cũng là cách tạo ra giá trị xã hội”, CEO GIBC ví von.
Đặc biệt, theo ông Ngọc Trai nếu bạn trẻ khởi nghiệp hãy làm những sản phẩm mà mình cảm thấy tự hào về nó, không cần những sản phẩm cao sang nhưng là sản phẩm không lấy đi cái gì của xã hội. Phải biết chọn lợi ích kinh tế gắn liền với lợi ích xã hội mới là điều tốt. Nếu doanh nghiệp làm tốt được lợi ích xã hội thì còn đạt lên tầm cao hơn.
Chẳng hạn, chúng ta chọn ngành nghề áp dụng công nghệ mới cho sản phẩm nông nghiệp. Nhưng nếu đó là sản phẩm nông nghiệp sạch, tác động đến sức khỏe người tiêu dùng thì còn tốt hơn.
“Câu chuyện giải quyết các vấn đề xã hội nên theo hướng là sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp chứ không phải để làm cho vui, thích thì làm”, ông Ngọc Trai nhấn mạnh.
Theo vị CEO này, các bạn trẻ có khát vọng, có ước mơ nhưng phải có tính toán gắn liền với trách nhiệm đạo đức trong sản phẩm. Tính toán để áp dụng công nghệ, phát triển chuyên môn như thế nào, tiết giảm chi phí ra sao. “Đặc biệt, sự lựa chọn là ở chính mình nhưng cần có cái đầu lạnh để đối đầu với sự cạnh tranh của thị trường và một trái tim nóng để có định hướng tốt”, Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ.
“Các bạn không thể làm chuyện xã hội tốt khi công ty lỗ hoặc lỗ mãi. Do đó, phải biết cân đối, phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng mà, nếu chiến lược 1-2 năm mà không đạt được thì cần xem lại. Bởi khởi nghiệp hay làm gì thì cũng cần tính đến yếu tố bền vững nữa”, ông Trai nhấn mạnh.
Nhất định phải có hệ thống quản trị
Theo ông Trai, khi bạn trẻ khởi nghiệp vốn đã có khát vọng nên họ thường làm ngay, nhưng trước tiên cần có nền tảng cơ bản. “Khởi nghiệp cũng giống như công ty, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có hệ thống quản trị, quản lý. Về cơ bản, nếu đạt được điều này thì không nói là không có thất bại nhưng sẽ giảm thiểu rủi ro rất nhiều”, ông Ngọc Trai khẳng định.
Theo vị CEO này, ở các doanh nghiệp Startup, hệ thống quản trị, quản lý công ty không cần chuyên nghiệp nhưng phải có và xây dựng cơ bản. Bởi, khi doanh nghiệp startup thành công với sản phẩm, dự án thì cần quản lý nó để đưa ra thị trường.
“Tỉ lệ thất bại của khởi nghiệp hiện tại đi từ chỗ quản trị nhiều hơn, đây cũng là thách thức mà nhiều startup gặp phải. Các bạn chưa hiểu rõ thị trường nên khi hoạch định chiến lược bị sai”, cựu CEO PepsiCo nhấn mạnh.
Do đó, bước đầu tiên là các bạn startup xác định được tầm nhìn, chuyển ra thành mục tiêu. Khi đã có mục tiêu phải có chiến lược để thực hiện mục tiêu đó. Khi đã có chiến lược thì phải có hoạch định. Nếu doanh nghiệp startup đi đúng quy trình đó thì sẽ giảm rủi ro thất bại rất lớn.
“Làm gì cũng phải có hoạch định, có tính toán chứ không phải thích là nhảy ra làm”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nhắn nhủ.
Nguồn: cafebiz.vn